Bất động sản Hồng Kông dẫn đầu thế giới về độ xa xỉ
Giá bất động sản ở mức cao và nội tệ neo vào đôla Mỹ khiến chi phí sinh hoạt tại Hong Kong 3 năm liên tiếp đứng đầu thế giới.
Hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting (Anh) vừa công bố báo cáo Chi phí sinh hoạt (Cost of Living) 2020 của 209 thành phố trên thế giới. Theo đó, Hong Kong năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu danh sách này. Thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới và đôla Hong Kong neo vào USD đã khiến chi phí sinh hoạt tại đây tăng cao.
Ashgabat (Turkmenistan) tăng 5 bậc lên thứ nhì, một phần do biến động tiền tệ. Thủ đô Nhật Bản Tokyo đứng thứ ba. Các đại diện châu Á thống trị top 10 danh sách, với Singapore (5), Thượng Hải (7) và Bắc Kinh (10).
Châu Âu có 3 thành phố là Zurich (4), Bern (8) và Geneva (9) đều thuộc Thụy Sĩ. New York City là đại diện duy nhất của Mỹ trong top 10.
Đồng đôla Mỹ mạnh lên hồi đầu năm và tác động của nó với các tiền tệ khác là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến bảng xếp hạng năm nay. Nội tệ mạnh và giá nhiều hàng hóa, dịch vụ lên cao tại các thành phố Đông Nam Á như Manila và Jakarta cũng giúp họ tăng thêm 29 và 19 bậc so với năm ngoái.
Việt Nam có hai thành phố được đánh giá, là Hà Nội và TP HCM. Tính trên toàn cầu, Hà Nội xếp thứ 116 về mức độ đắt đỏ, giảm 4 bậc so với năm ngoái. Chi phí sinh hoạt tại TP HCM tăng 9 bậc, lên 111.
Cost of Living là báo cáo được Mercer công bố hàng năm. Mục đích là giúp các công ty đa quốc gia và Chính phủ các nước đánh giá chi phí khi cử nhân viên sang làm việc tại nước ngoài.
Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 3, đúng thời điểm đại dịch bắt đầu lan tràn toàn cầu. Các thành phố được đánh giá theo kết quả khảo sát chi phí hơn 200 loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến, như nhà ở, giao thông, thức ăn, trang phục, đồ dùng gia đình và tiện nghi giải trí. Tất cả sau đó sẽ được so sánh với New York (Mỹ) và xếp hạng.
Dù đại dịch đang gây sức ép lên hoạt động tuyển dụng và triển khai chiến lược của nhiều công ty năm nay, Kate Fitzpatrick – một lãnh đạo tại Mercer cho rằng việc cử nhân viên ra nước ngoài sẽ hồi phục khi các nước mở cửa trở lại.
“Khi việc đi lại giữa các quốc gia về mức bình thường, chúng tôi dự báo các nhân viên từng rút về nước sẽ quay lại nước ngoài làm việc. Việc chỉ định mới cũng sẽ được thực hiện như kế hoạch”, bà nói.
Tuy nhiên, khi tác động kinh tế dự kiến còn kéo dài trong nhiều tháng tới, Fitzpatrick cho rằng các giám đốc và nhân viên sẽ điều chỉnh việc công tác nước ngoài theo tình hình mới. “Doanh nghiệp sẽ phải theo dõi sát tỷ giá và điều chỉnh gói thu nhập nếu cần thiết. Việc tiết kiệm chi phí vẫn sẽ là ưu tiên cao của nhiều công ty”, bà nói.